Chăn nuôi Ngựa Phú Yên

Từ lâu, Phú Yên đã nổi tiếng về chăn nuôi trâu, bò (bò Phú Yên), ngựa. Mục đích nuôi ngựa rất đa dạng. Ngày xưa, người ta nuôi ngựa dùng để kéo xe, thồ hàng. Con ngựa là phương tiện làm ăn, nhà có con ngựa cũng như bây giờ có chiếc xe máy. Người Phú Yên nuôi ngựa còn để buôn bán sang các vùng khác. Ngoài ra, cũng có người nuôi ngựa để tiến vua, để cưỡi chơi, để thi tài. Ngày nay ở Tuy An còn duy trì hội đua ngựa được tổ chức hằng năm với quy mô lớn. Nếu kết hợp "ngựa thể thao" với "ngựa du lịch" để lấy nguồn lợi đáng kể cho Phú Yên.

Nuôi ngựa nhàn hơn các loại gia súc khác. Việc tuyển chọn cũng khá đơn giản, không cầu kì như tại các trại chăn nuôi phục vụ cho ngành y, ngựa chỉ cần nhanh nhẹn, tướng mạo trông khỏe mạnh là có thể mua. Vì ngựa rất ít mắc bệnh tật, chỉ cần nghe tả hình dáng cũng có thể đồng ý đưa về. Ngựa kéo xe cũng như ngựa chở không cần vóc dáng đẹp và nước kiệu hay, chỉ cần sức mạnh và không bị những chứng tật có thể gây tai nạn khi đang chạy xe. Nhiều con ngựa cỡi thải ra thành ngựa xe. Từ chỗ lao động mang lại thu nhập nuôi sống gia đình những người nuôi, ngựa đã trở thành người bạn thân tình của giới nuôi ngựa.

Tình hình

Thời Pháp thuộc, Phú Yên có những trang trại chăn nuôi trâu bò ngựa rất lớn, nhất là vùng Sơn Hòa, dọc theo sông Ba[10]. Ngựa Phú Yên ngày trước nuôi khắp các huyện, nhiều hơn là ở huyện Sơn Hòa (làng Củng Sơn nay là thị trấn Củng Sơn và cao nguyên Vân Hòa nay là các xã Sơn Xuân, Sơn Long, Sơn Định), huyện Đồng Xuân (làng Phú Xuân nay thuộc xã Xuân Phước và làng Phước Long nay thuộc xã Xuân Long), huyện Tuy An (làng Chí Thạnh nay thuộc thị trấn Chí Thạnh, các làng Hòa Đa, Phú Long nay thuộc xã An Mỹ). Từ các nơi này phân phối ra nhiều nơi trong tỉnh và ngoài tỉnh.

Trước khi có quốc lộ 1 và đường sắt xuyên Việt, người xứ Nẫu thường đi lại bằng kiệu, ngựa (nhà giàu, khá) còn nhà nghèo thì chủ yếu đi bộ, nhiều vùng miền núi, đồng quê xứ Nẫu, ngựa vẫn còn lam lũ cùng người cưỡi, thồ hàng, kéo xe Lang thang từ vùng Tuy Hòa, Tuy An, Sơn Hòa, Đồng Xuân (Phú Yên) đến vùng Vân Canh, An Lão, An Nhơn, Phù Cát (Bình Định), vó ngựa vẫn lóc cóc trong nắng sớm mưa chiều. Đi đâu cũng gặp ngựa, làng nào ở Phú Yên cũng nuôi ngựa bầy. Đàn ông, đàn bà đều cưỡi ngựa. Hồi trước thì tải hàng ra trận, sau 1975, ngựa vùng này vẫn còn dùng nhiều trong việc kéo lương thực cho các kho nhà nước. Rồi kéo gỗ, vật liệu cát nhà, xây kênh mương, chở khách, chở hàng ra chợ đều dùng ngựa. Sau đó các loại xe cộ cứ cạnh tranh, thay dần xe ngựa.

Dẫu lặng lẽ một góc nhưng thị trường ngựa vẫn còn khá xôm tụ. Bởi nghề ngựa kéo, ngựa thồ, ngựa du lịch vẫn duy trì ở nhiều tỉnh Nam Trung Bộ, Chủ yếu lúc này, săn mua ngựa ở vùng núi trong tỉnh. Trước đây, có mua ngựa từ Đà Lạt nhưng giá hơi cao, mua gom về hơn chục ngựa cả lớn lẫn bé, phần lớn là các giống đạm, tía, hồng Lúc này, ngựa nhỏ (cỡ 6 tháng tuổi) có giá khoảng 10 triệu đồng/con, ngựa từ 3 năm tuổi (chạy thồ, kéo xe được) thì từ 15–20 triệu đồng/con tùy tướng tá "đẹp, xấu", những vùng bán sơn địa, miền núi Phú Yên, nghề ngựa thồ vẫn còn phổ biến[8].

Số lượng

Tổng cộng ước lượng có khoảng 300 ngựa đực và từng ấy ngựa cái còn tồn tại ở Phú Yên. Số ngựa ấy phần nhiều ở Củng Sơn, hoặc ở Phước Long. Sau năm 1954 việc nuôi ngựa được duy trì và khá phát triển trong một thời gian. Năm 1959, số ngựa ở Phú Yên là 2.340 con. Nhưng đã xuống dốc từ năm 1960, sau năm 1975 việc nuôi ngựa không được phục hồi. Trước kia tại các huyện miền núi không xóm nào là không có ít nhất năm bảy con ngựa, số ngựa toàn tỉnh năm 1996 theo thống kê chỉ có trên 620 con, đến năm 2009 còn 278 con, năm 2011: 207 con, năm 2012: 246 con, nhiều nhất ở huyện Tuy An 179 con. Từ năm 2009 đến năm 2012, thị xã Sông Cầu và huyện Sơn Hòa không có con ngựa nào. Huyện Sông Hinh thời gian 2009-2011 là 0, năm 2012 chỉ có một con, huyện Tây Hòa thời gian 2009-2011 chỉ có 1-2 con, năm 2012 cũng số 0; huyện Đông Hòa trước kia nhiều xe ngựa, năm 2012 chỉ có sáu con.

Dọc dài vùng bán sơn địa Quán Cau, người dân vẫn còn nuôi, kinh doanh và sử dụng ngựa thồ thường ngày, ngựa thồ vẫn tỏ ra đắc dụng trên những quãng đèo núi xa xôi cách trở, với khoảng 500 con, vùng An Hiệp hiện có mật độ ngựa nuôi thuộc loại nhiều nhất miền Trung. Tiện lợi, nhanh gọn, chi phí rẻ hơn vận tải xe theo đường vòng, làng ngựa thồ mới tồn tại trước phong trào sắm xe tải[1]. Từ trước nay, ngựa là phương tiện vận tải chính của người An Xuân. Ngựa chính là cái chân, là cái xe của người An Xuân. Chỉ có ngựa mới thồ được hàng hóa, nông sản từ ruộng dưới thung, rẫy trên núi về nhà, hoặc băng qua những con đường lầy lội, trơn trợt, lởm chởm đá tảng, đá cuội mà xuống đồng bằng, về thị trấn Chí Thạnh để mua bán nông sản. Có thời, ở An Xuân, nhà nào cũng nuôi ngựa. Dân vùng này sống không thể thiếu ngựa được. Nhưng nay đàn ngựa ở An Xuân ngày càng ít dần. Cả xã hiện chỉ còn khoảng 50 nhà nuôi ngựa, mà toàn ngựa cái.

Khi Hội đua ngựa gò Thì Thùng được nâng lên thành lễ hội văn hóa-thể thao cấp tỉnh, Phú Yên quyết định đầu tư vốn để cải thiện chất lượng đàn ngựa ở địa phương bằng cách cấp cho An Xuân hai con ngựa đực giống có chất lượng, được nuôi dưỡng ở An Xuân, vùng đất nổi tiếng Phú Yên và cả khu vực miền Trung. Ở Tuy An chỉ có hội Thì Thùng là có đua ngựa khi phục hồi lại thì dân chơi tấp nập ra Phú Yên tìm mua ngựa. Ngay chính cao nguyên An Xuân, lượng ngựa vẫn ít hơn hẳn An Hiệp, mới gọi An Hiệp là thủ phủ của ngựa nhưng lượng ngựa đua được phân đều cho các xã. Trong lúc, ngựa An Hiệp rất mạnh, đa phần các năm qua đều chiếm giải cao. Tỉnh cũng đang đầu tư ngựa giống lai cho An Xuân[1].

Chế độ ăn

Ngựa là loài rất dễ nuôi, chỉ cho ăn cỏ và cám. Chúng ăn uống đơn giản, chỉ cần có cỏ tươi, nước bột gạo hoặc nước mật đường. Những khi ngựa chạy đường dài thấm mệt, hoặc "thúc ngựa" mau lớn, có thể cho đường vào thức ăn và nước uống. Ở thôn quê nhiều cỏ, ban ngày có thể dắt ngựa ra cột chỗ nào đó cho ăn, một chặp dắt sang chỗ khác cột gọi là dời ngựa. Buổi trưa đưa đi tắm, cho ngựa uống nước. Chiều cho ngựa về chuồng bỏ cỏ trong máng cho ngựa ăn. Loại cỏ cộng cao lá dài gọi là cỏ tây ngựa rất thích. Để tăng sức cho ngựa, nhất là ngựa chở và ngựa kéo xe, người ta còn cho ngựa uống nước đường trộn cám và ăn lúa hạt. Ngựa kéo thường được chăm sóc rất kỹ lưỡng, vì muốn có sức để làm lâu ngày thì cần phải bồi dưỡng cho ngựa, như lúa ngâm, gạo lức, mật đường, cám tinh và cỏ thơm. Những hôm nào có hàng chạy thì chủ phải dậy sớm cho ngựa ăn no nê và chuẩn bị thức ăn dự trữ cho ngựa ăn dọc đường để có sức kéo xe[4].

Chăm sóc

Trại ngựa được xây dựng đơn sơ bằng gỗ, lợp mái tôn được ngăn cách nhiều ô, cỏ tươi luôn được chất đống để phục vụ đàn ngựa. Ngựa được nuôi rất kỹ. Chuồng ngựa ở nơi kín gió. Ngày trước không lợp ngói nhưng lợp tranh khá kỹ. Bên dưới có sàn ván cho ngựa đứng, khỏi bị hư móng. Mỗi ngày tắm ngựa, chải lông một lần. Ngựa được tắm gội chải chuốt hàng ngày nhưng không để cho ngựa mắc mưa. Ngựa rất ít bệnh tật, không hề bị lở mồm long móng hay các dịch bệnh khác, chỉ thỉnh thoảng bị đau bụng nhưng thường là tự hết, người ta hầu như không bào chế vắc xin phòng bệnh cho ngựa vì chúng quá ít bệnh, vòng đời của ngựa đến 40 năm. Ngựa thường không chết vì dịch bệnh, mà là do lao lực quá lớn nên về già đuối sức mà chết.

Không phải ngựa nào cũng là ngựa và việc nuôi nấng, chăm sóc chúng cũng như nhau, nuôi dưỡng ngựa đực khó khăn hơn nuôi ngựa cái. Dân Phú Yên nuôi ngựa cái có lãi hơn ngựa đực. Bởi vừa thồ hàng, vừa tiện việc sinh sản. Nuôi ngựa đực giống còn phải dành thời gian đưa chúng chạy vận động để vừa tăng thêm sức mạnh, sức dẻo dai, đảm bảo tinh lực, nếu rảnh rỗi, một ngày ngựa đực phải được cho chạy 60-90 phút, trên quãng đường khoảng 5-6 cây số[7] Ngựa kéo xe nuôi kỹ hơn ngựa chở vì sức làm việc của chúng được khai thác nhiều hơn có câu "Khỏe re như con ngựa kéo xe".

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Ngựa Phú Yên http://tapchisongba.com/tin-kinh-te-xa-hoi-thuong-... http://video.vnexpress.net/the-thao/hoi-dua-ngua-t... http://baoquangngai.vn/channel/6108/201402/duong-x... http://www.baobinhdinh.com.vn/viewer.aspx?macm=26&... http://baophuyen.com.vn/89/40391/buon-vui-nuoi-ngu... http://dantri.com.vn/xa-hoi/len-go-thi-thung-xem-n... http://dulich.dantri.com.vn/du-lich/loc-coc-vo-ngu... http://www.lienhiephoiphuyen.com.vn/index/?menu=co... http://www.nhandan.com.vn/vanhoa/dong-chay/item/28... http://nld.com.vn/thoi-su-trong-nuoc/cuoi-vo-bung-...